Thời gian qua, liên tiếp những vụ hỏa hoạn, ngộ độc khí độc gây tử vong nhiều người một lúc. Phần lớn nạn nhân bị ngất do ngạt khói, khí, hơi độc trước khi bị chết cháy. Tự ứng phó khi ở tình huống bị ngạt khói, khí và cấp cứu người bị ngạt cũng cần có kỹ năng…
· Triệu chứng ngộ độc khí CO
Các triệu chứng tổn thương bị ngạt khí CO là: chảy nước mắt, viêm kết mạc, ho, khạc ra đờm có than, khó thở, mất định hướng, mất tri giác, bị bỏng, cháy da, lông, tóc… Nếu nhẹ, thường có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu; ở mức độ trung bình, nạn nhân cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, buồn nôn, ngất xỉu; nặng sẽ bị ngất, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong...
· Những tổn thương khi bị ngạt khí, khói
Khí CO khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đẩy khí ôxy ra khỏi máu, khiến ôxy không được đưa tới các tế bào và tế bào sẽ chết. Ngoài ra, khí CO tác dụng trực tiếp trên cơ tim là giảm co bóp của tim; tác dụng trên não làm giảm các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó làm giảm huyết áp. Những nạn nhân bị nặng, được cứu sống thường để lại di chứng thần kinh, như: bệnh parkinson, rối loạn tri giác và rối loạn nhân cách. Những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn ngoài bị phỏng, bị ngạt, còn bị tổn thương do hít phải nhiệt độ cao nên thường bị phỏng đường hô hấp, nhất là khi hỏa hoạn có hơi nước nóng như nổ lò hơi…
· Xử lý và cấp cứu nạn nhân bị ngạt
Theo khuyến cáo của các bác sĩ , khi bị lâm vào đám cháy, tránh chạy lên cao hoặc vào sâu bên trong, vì cơ chế khói sẽ ngày càng bốc lên cao, khói vào sâu không có đường thoát sẽ càng dày đặc và nạn nhân sẽ chết ngạt trước khi chết cháy. Khi xảy ra sự cố cháy nên dùng mền nhúng nước quấn quanh người hoặc dùng khăn ướt đắp vào mặt mũi rồi chạy nhanh qua đám cháy và ra ngoài.
Khi nạn nhân ra khỏi vùng bị khói, khí, người sơ cứu cần đưa nạn nhân ra nơi thoáng đãng, làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng đưa tới ngay bệnh viện để được thở ôxy cao áp nhằm đẩy khí CO ra ngoài.
Đối với những loại khí gas, khí độc cần mở hết cửa, bật quạt thổi khói, khí, hơi độc ra ngoài và nhanh chóng đưa nạn nhân ra xa khỏi vùng khí, khói độc đến chỗ thông thoáng để bệnh nhân được hít thở ôxy nhằm tống xuất khí, hơi độc ra ngoài.
· Phòng ngừa ngộ độc khí, hơi, khói độc
An toàn trong sử dụng điện, cẩn thận củi lửa, bếp gas là rất cần thiết. Không nên để xe hơi hoặc xe máy đang còn nổ máy trong nhà, trong garage ngay cả khi đang mở cửa; không đặt máy phát điện trong nhà; không đốt than, củi trong nhà khi đóng kín cửa; không sử dụng thiết bị đốt khí gas trong phòng kín hoặc phòng ngủ.
- LUẬT PCCC SỐ 27/2001/QH10 (13.10.2016)
- BẢO VỆ LONG HẢI (30.05.2015)
- LUẬT KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ SỐ 52/2008/NĐ-CP (13.10.2016)
- NGHỊ ĐỊNH SỐ 72/2009/NĐ-CP (13.10.2016)
- THÔNG TƯ SỐ: 45/2009/TT-BCA(C11) (13.10.2016)
- Luật SỐ 40/2013/QH13: SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PCCC SỐ 27/2001/QH10 (13.10.2016)
- NGHỊ ĐỊNH CHÍNH PHỦ SỐ 06/2013/NĐ-CP VỀ BẢO VỆ CƠ QUAN DOANH NGHIỆP (13.10.2016)